Loading
 

Vươn Lên Từ Nguồn Vốn Vay Của Quỹ

    “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ Quốc”. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, năm 2002 gia đình chị Hoàng Thị Mến anh Hà Đình Lư cùng bố mẹ già, 02 em nhỏ và 01 đứa con đầu lòng đã dời bỏ quê hương Phù Yên đến định cư tại Bản Yên Sơn xã Hát Lót của huyện Mai Sơn để sinh sống.

            Ngày ấy gia đình anh chị ra đi với tài sản vẻn vẹn 3.600.000đ là số tiền mặt mà nhà nước hỗ trợ để trở đồ dùng, dụng cụ sản xuất sang nơi ở mới. Bước chân đến đất Mai Sơn cảm nhận đầu tiên của anh chị là một vùng đất hoang sơ dân cư thưa thớt. Thời gian đầu anh chị không biết làm gì để sống, do gia đình đông người nên cuộc sống thiếu thốn đủ đường, hàng tháng chỉ biết trông chờ vào 30kg gạo của Nhà nước bao cấp.

            Theo chính sách của Nhà Nước mỗi hộ dân tái định cư được cấp 400m2 đất ở và 7.000m2 đất trồng trọt, đất nhiều nhưng không có vốn đầu tư nên năng suất cây trồng thấp, dẫn đến cuộc sống gia đình đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Vì “lạ nước, lạ cái” anh chị không biết xoay sở vào đâu, muốn vay tiền từ Ngân hàng nhưng không có “bìa đỏ”, đi vay ngoài sợ lãi suất cao mà cũng không ai dám cho vay vì anh chị là dân “tái định cư”, “Lực bất tòng tâm” anh chị đành bó tay mặc cho số phận.

            Vào những năm đó chương trình Tiết kiệm tín dụng của Hội phụ nữ Mai Sơn đang  triển khai tại xã Hát Lót, tháng 5 năm 2003 chương trình được triển khai tại bản Yên Sơn, Lúc đầu thành viên phần lớn không ủng hộ với lý do mức vay quá thấp, hàng kỳ chị em không kiếm được tiền để trả nợ. Một số thành viên do quá khó khăn nên đành phải tham gia trong đó có gia đình chị Mến anh Lư.

            Sau 2 tháng (4 kỳ) gửi tiết kiệm chị được vay vốn vòng 1với số tiền 500.000đ gia đình chị đầu tư mua gà giống và thức ăn chăn nuôi. Sau 01 năm chật vật anh chị cũng đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi. Anh Lư nói: “Lúc đầu vay vốn về rất lo, sợ không trả được hàng kỳ, nhưng khi vay rồi bắt buộc phải tiết kiệm, mỗi tháng gia đình chỉ được ăn thịt 1 đến 2 lần còn tiền phải tiết kiệm để trả nợ”.  

            Ngay sau khi kết thúc vòng vốn thứ nhất, anh chị tiếp tục xin vay vòng 2. Lần này được chương trình xét cho vay 1.000.000đ, số tiền đó anh chị tiếp tục đầu tư nuôi gà đẻ và ngan. Anh chị tâm sự: “Lần này đỡ sợ rồi vì có nguồn thu hàng ngày từ việc bán trứng gà và ấp ngan giống, số tiền lãi thu được từ việc chăn nuôi chỉ đủ để trả nợ chương trình, nhưng vẫn còn gà để đẻ trứng tiếp”

            Trả nợ xong vòng 2 anh chị vay tiếp vòng 3 với số tiền 5.000.000đ. Anh chị dùng số tiền đó để xây 01 ô chuồng nuôi lợn với diện tích 18m2 và mua thêm 2 con lợn giống ( 1 con đực nuôi bán, 1 con cái gây Nái). Mười hai tháng sau con lơn Nái đã sinh lứa đầu tiên được 8 con, lúc này anh chị bán con lợn đực 80kg thu được số tiền 1.800.000đ lấy số tiền này để “vỗ” cho đàn lợn Nái, sau 2 tháng anh chị bán đàn lợn Nái được 4.000.000đ và lúc này anh chị cũng hoàn thành trả nợ vòng vốn thứ 3. Lúc này anh Lư ( chồng chị Mến) bị ốm rất nặng gia đình phải chuyển anh về bệnh viện Bạch Mai để cứu chữa nên anh chị vay tiếp vòng vốn thứ 4. Với số tiền 10.000.000đ, chi  nằm viện cho anh Lư 4.000.000đ còn 6.000.000đ nộp học cho em và mua thêm 1 con lợn Nái. Lần này vay số tiền lớn hơn các lần trước nên anh chị phải đi làm thuê để có thêm tiền trả nợ và có thêm chút ít để đầu tư trồng ngô.

            Vòng vốn thứ 5 anh chị vay 20.000.000đ làm thêm 03 ô chuồng để nuôi lợn và mua thêm 02 con lợn Nái. Trong năm đó anh chị có 4 Nái, trung bình một Nái sinh  02 lứa/năm, mỗi lứa từ 8-14 con, giá bán lợn giống khoảng từ 30.000-40.000đ/1kg, như vậy một năm anh chị thu tiền bán lợn giống từ 14-16.000.000đ. Lúc này anh chị đã có vốn để đầu tư trồng trọt và cũng được Hội phụ nữ phối hợp vơi Trung tâm khuyến nông của huyện trang bị kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do đó toàn bộ 7.000m2 đất được cấp anh chị đầu tư trồng mía. Mô hình nuôi gà đẻ trứng cũng được đầu tư giống thức ăn tốt hơn nên mỗi năm thu hoạch từ 50-80.000.000đ (đã trừ chi phí) số tiền đó là nguồn thu nhập ổn định của gia đình trong 02 năm trở lại đây, tuy nhiên đến mùa trồng trọt anh chị vẫn tiếp tục vay vốn của chương trình để đầu tư mua phân giống và thuê nhân công trồng mía.

 

 

            Ngoảnh lại đã 9 năm tham gia chương trình anh chị đã vay qua 7 vòng vốn, đến nay tổng tài sản của gia đình ~1tỷ đồng. Cuộc sống gia đình sung túc hơn, anh chị cũng đã hoàn thành trách nhiệm đối với bố mẹ, lo cho 02 em ăn học và đã xây dựng gia đình ai cũng  có công việc làm ổn định. Niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi cuối năm 2013 này anh chị hân hoan đón 1 cháu trai ra đời.

              Anh Lư cảm động nói “ Nếu như không có nguồn vốn của Hội phụ nữ ngày ấy chắc gia đình em kiệt quệ lắm rồi, mà không phải riêng nhà em đâu, cả 20 hộ gia đình trong bản Yên Sơn này”, chị Mến nói tiếp: “Khi biết tin chị Thanh (là CBKT của xã Hát Lót) nghỉ không làm công tác cho vay vốn nữa vợ chồng em buồn lắm và nghĩ là sẽ không có ai làm tiếp, nhưng may thế lại có Chị Yến tiếp tục làm” .Nghe đến đây tôi thực sự xúc động vì trong những năm qua đồng vốn của Tổ chức đã thật sự mang lại cuộc sống cho người dân nghèo tại huyện Mai Sơn, đồng vốn tuy ít ỏi nhưng đã giúp cho người dân hình thành “trí” lớn, giúp họ vững tin để bước trên đôi chân của mình.   

(Một số hình ảnh tiêu biểu về mô hình phát triển kinh tế của thành viên Hoàng Thị Mến, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)

 

Chị Mến trước cơ ngơi của mình.

 

 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: