Loading
 

Tỷ phú từ cây cà phê Catimo

  Vào những năm đầu của thập niên 90 khi nền kinh tế của Việt Nam chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, tại vùng đất Tây bắc Tỉnh Sơn La (là một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam) đã xuất hiện cây Cà phê Catimo trên vùng đồi núi khô cằn, đây là loại cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao và được nhiều người dân trên toàn thế giới ưa dùng.

      Nắm bắt được thông tin thị trường Chị Hoàng Thị Khởi là Thành viên nhóm Tiết kiệm tín dụng bản Củ xã Chiềng Ban huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La đã miệt mài ươm giống để trồng trên vùng đồi với diện tích 200m2. Thời gian đầu chị Khởi chỉ có ý định trồng “thử” vì “thấy họ nói là ngon” và hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn La. Ba năm sau cây cà phê cho thu hoạch, vì chưa có kinh nghiệm chăm sóc và cũng không có vốn để đầu tư nên sản lượng thu hoạch rất thấp khoảng 10kg, gia đình chị để sử dụng và mỗi khi có “khách quý” anh chị mới thiết đãi.

     Cũng tại thời điểm đó tỉnh Sơn La đã chỉ đạo nghành Nông nghiệp “lấy” cây cà phê Catimo là cây “mũi nhọn” và được trồng chủ yếu ở xã Chiềng Ban. Lúc này vườn cà phê của gia đình chị Khởi trở thành khu vườn thí điểm và được phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và bảo quản sản phẩm, nhờ đó mà vườn cà phê của gia đình chị đơm hoa kết trái và cho thu hoạch với sản lượng gấp 5 lần so với vụ thu hoạch đầu tiên.

    Có kỹ thuật trong tay anh chị không ngần ngại mở rộng diện tích, toàn bộ diện tích đất trồng cây ăn quả 1.000m2 được chuyển sang trồng cà phê đến năm 1996 tổng diện tích đất trồng cà phê  là 1.200m2. Để tăng năng suất cây trồng, năm 1996 chị đã vay vốn vòng 1(cũng là vòng vốn duy nhất) của Chương trình Tiết kiệm tín dụng với số tiền 2.000.000đ để đầu tư  mua phân bón lót. Lần này cây cà phê phát triển tốt hơn vì được chăm sóc đúng kỹ thuật ngay từ đầu. Hàng năm ngoài số lượng cà phê của gia đình chị, chị còn thu mua gom từng “mớ” của chị em trong xã và bán lại cho các Thương lái để có thêm phần lợi nhuận và tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cho chị em, tạo niềm tin và tạo động lực cho chị em làm kinh tế gia đình. 

   Vì thấy chị Khởi hoạt bát, nhiệt tình và được chị em tin yêu, năm 1998 UBND xã cử chị làm Trưởng ban điều hành chương trình tiết kiệm tín dụng xã Chiềng Ban. Không chỉ dừng lại với vai trò là Trưởng ban điều hành, chị Khởi còn là một kỹ thuật viên giỏi hướng dẫn chị em áp dụng các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi và trồng trọt. 

    

   Khoảng năm 2000 gia đình chị đã có lợi nhuận thu về từ cây cà phê (từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/năm), sản lượng thu hoạch cà phê của gia đình chị được phòng Nông nghiệp huyện đánh giá là cao nhất xã. Đến năm 2001 gia đình chị thầu thêm 2ha đất của Bản để mở rộng diện tích trồng cà phê. Tiếng “lành” đồn xa, bà con ở các xã lân cận cũng “kéo” về đây để học hỏi kinh nghiệm, phòng Nông nghiệp huyện Mai Sơn cũng coi đây là mô hình điểm, một số Doanh nghiệp đã đặt đại lý thu mua cà phê ngay tại gia đình chị, chị cũng đã liên hệ với Công ty Super phốt phát Lâm Thao cung ứng phân bón đến tận bản cho Bà con. Theo lời chị kể “đây là thời điểm thiên thời địa lợi nhân hòa, làm việc gì cũng thuận” nhờ đó mà kinh tế gia đình chị “phất như diều gặp gió”, lúc này gia đình chị có vốn để đầu tư chăn nuôi Nhím, lợn nái và mua 01 xe ô tô tải loại 5 tấn để vận chuyển phân, thu hoạch sản phẩm cho gia đình và bà con trong xã.

  Anh chị xây dựng gia đình từ năm 1990 với tài sản “hồi môn” của bố mẹ là 1.200 m2 đất đồi cằn cỗi, gia đình chị đã khởi nghiệp từ cây cà phê Catimo, sau 13 năm anh chị đã xây dựng được một căn nhà 03 tầng, tổng tài sản tính đến nay khoảng 2,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân hàng năm khoảng 400-600 triệu đồng, 02 con của Chị đều trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định.

    Mỗi khi Thành viên có đơn xin vay vốn chị đều tư vấn cho thành viên nuôi, trồng cây, con gì để có năng suất cao, nhờ đó nên Thành viên sử dụng vốn rất hiệu quả. Phần lớn Thành viên có thời gian tham gia từ 10 đến 15 năm nhưng không có ai trả chậm, một số thành viên khó khăn đều được chị giúp đỡ như tạo công ăn việc làm cho gia đình thành viên, hoặc tạm ứng trước Giống, phân để Thành viên sản xuất.

      Với những thành tích đã đạt được, năm 2007 chị Khởi đã vinh dự được UBND tỉnh Sơn La tặng bằng khen và được tham dự hội nghị điểm hình làm kinh tế giỏi Toàn quốc tại Hà Nội. Năm 2010 chị được Quỹ City trao giải thưởng Cán bộ tín dụng xuất sắc.

      Và cũng từ năm 2010 Quỹ hỗ trợ phụ nữ miền núi phát triển huyện Mai Sơn bổ nhiệm chị làm Trưởng phòng giao dịch số 01 phụ trách 07 xã với 2.700 thành viên. Trong công tác quản lý, điều hành Chị luôn thể hiện là người Lãnh đạo gương mẫu, nhiệt tình, năng động và sáng tạo giám nghĩ, giám làm do đó kết quả hoạt động của Phòng phát triển rất tốt năm sau cao hơn năm trước, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và Bình đẳng Giới tại địa phương.